Tác giả: Nguyễn Đoàn Công Đức – HVL bóng rổ
Ở phần 1, chúng ta dừng lại ở câu hỏi: Tập sao cho hiệu quả ???
Mọi người có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều bài tập trên mạng. Chính vì sự dễ dàng đó sẽ làm mọi người rất mông lung về những phần tập của mình. Nên mình sẽ tổng hợp lại cho mọi người có thể hình dung đầy đủ các bài nên tập. Mình sẽ lượt qua những bài làm quen với bóng như xoay, đập bóng trên tay, quay bóng qua đầu – lưng – chân, di chuyển banh trên đầu ngón tay. Mấy bạn mới đừng có bỏ qua à nghen, không làm quen với bóng coi chừng hổng biết bóng tròn méo ra sao đấy.
Đầu tiên, các dạng bài tập dằn bóng thẳng xuống và không có đổi hướng. Các dạng bài tập này rất thích hợp cho những người mới bắt đầu vì tính đơn giản của nó. Điều các bạn cần chú ý những bài tập này là phải dùng các đầu ngón tay chứ không sử dụng lòng bàn tay. Tạo lực và chú ý biên độ tâng của bóng để đạt được mục đích bài tập.
Ví dụ:
+ Với bài dằn bóng thấp, nên dùng phần cổ tay và các ngón tay tạo lực, bóng sẽ tâng dưới gối, nhịp bóng nhanh.
+ Với bài dằn bóng ngang hông, nên dùng phần cẳng tay tạo lực và chú ý vào độ cao của bóng. Hãy kiểm soát bóng trước khi bóng bay quá phần hông.
Thứ 2, các dạng bài tập để “làm khéo đôi tay”. Bóng và tay sẽ phải di chuyển theo nhiều quỹ đạo khác nhau hơn, không còn đơn giản dằn bóng theo hướng thẳng đứng nữa. Điều cần chú ý trong bài tập này là bàn tay phải linh hoạt di chuyển đến vị trí của bóng, tay có thể nghiêng hơn qua trái hoặc phải, lên trên hoặc xuống dưới để điều hướng bóng đến vị trí mình muốn.
Ví dụ:
+ Dằn bóng chữ V một tay, muốn bóng đẩy sang phải, nghiêng bàn tay sang trái tạo lực đẩy bóng đi. Di chuyển tay nhanh đến vị trí bóng nảy lên và nghiêng bàn tay lại để đẩy bóng ngược về.
+ Dằn bóng xung quanh cột (nấm tập). Với bài này chúng ta phải sử dụng toàn bộ sự linh hoạt của bàn tay để đưa bóng đi vòng tròn xung quanh cột.
Thứ 3, các bài tập để “múa dẻo” trước đối thủ hay còn gọi là bài tập đảo tay. Đây là dạng bài tập kết hợp cả 2 tay, nền tảng cho các “xì kiêu” (skill) qua người. Khi mọi người đã có cảm giác bóng và độ khéo léo qua các bài tập trên, mình sẽ đến bước tiếp theo tập kiểm soát và khống chế bóng. Các dạng phổ biến đảo tay trước mặt, đảo tay qua giữa hai chân, đảo tay qua lưng. Thực chất các dạng đó cũng chỉ là bài đảo tay, cái khác ở đây là mọi người sẽ đảo qua phần nào của cơ thể thôi. Mọi người thường thấy khó khăn ở những bài qua giữa hai chân, qua lưng. Theo mình thì … Nó cũng khó thật, nhưng chỉ là giai đoạn đầu thôi. Mẹo dành cho các bạn để giai đoạn đầu dễ hơn là hãy chia nhỏ, làm từng cái một và xác định rõ được nơi mình dằn bóng xuống.
Ví dụ:
+ Dằn bóng qua giữa hai chân, khi mọi người chưa quen hãy cầm bóng trên một tay, tay còn lại chờ đón bóng và thực hiện từng động tác. Vô thế tấn, chân rộng hơn vai tí, xác định điểm bóng tiếp xúc với mặt đất (1/3 đường nối hai chân), dằn một nhịp dứt khoát để bóng nảy lên tay còn lại đang chờ sẵn, bắt bóng và lặp lại động tác. Vị trí của bóng ban đầu sẽ ngang tầm hông, dằn bóng hướng xéo vào vị trí xác định, tránh dằn bóng thẳng vì bóng nảy lên lại sẽ trúng quả “bóng” khác.
Thứ cuối cùng, nghe chẳng liên quan gì đến việc dằn bóng nhưng lại cực kì liên quan. Đó là mình sẽ tập thêm bộ tấn trong lúc dằn bóng nữa. Mình thường hay đùa “tập dằn bóng mà không mỏi chân là tập sai bét”. Mọi người thử tưởng tượng mình vừa dằn bóng tốt, vừa có một bộ chân chắc khỏe, còn gì bằng nữa. Khi có một bộ chân chắc khỏe sẽ phụ trợ rất nhiều cho mọi người tập sức bật và các động tác chân (footwork). Nên mọi người ráng tập nhé, dù cho nó chua lè chua lét à.
Thành thật cảm ơn mọi người đã kiên nhẫn đọc đến tận đây. Còn xíu nữa, phần này quan trọng, mọi người ráng đọc hết nha.
Lưu ý:
Hãy dành tất cả thời gian rảnh rỗi của mình để tập dằn bóng. Khi mọi người dằn bóng tốt hơn, mọi người sẽ nhanh chóng tiến đến những bài tập khó hơn, “lế vồ” (level) của mọi người từ đây cũng tăng lên.
Hãy tập dằn bóng với sự tập trung cao nhất và có mục tiêu, cột mốc rõ ràng. Mọi người rất dễ nản chí và bị cám dỗ bởi ngoại cảnh. Hãy nói không, khi chưa dằn xong.
Hãy dằn bóng nhanh, đừng dằn chậm và hời hợt, như vậy sẽ không có kết quả. Tập làm sao, ngày mai mình sẽ dằn nhanh hơn hôm nay, tháng sau sẽ chắc bóng hơn tháng trước, năm sau sẽ “múa dẻo” hơn năm trước.
Hãy hướng đến sự KIỂM SOÁT và KHỐNG CHẾ BÓNG hơn là việc cứ suốt ngày đi tìm CẢM GIÁC.
Thân chào mọi người, hẹn các bạn vào bài chia sẻ sau.
NDCD